hành trình Đà Nẵng tham gia lễ hội đền Thần Nông, nơi diễn ra ngày hội của trẻ em mục đồng. Đây là lễ hội Mục đồng rất độc đáo tại làng Phong Lệ nay thuộc thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang.
trải nghiệm Đà Nẵng tham gia lễ hội đền Thần Nông, nơi diễn ra ngày hội của trẻ em mục đồng. Đây là lễ hội Mục đồng rất độc đáo tại làng Phong Lệ nay thuộc thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Chuyện kể rằng, làng Phong Lệ xưa có một cồn cỏ. Ngày nọ, có người xua đàn vịt lên cồn, chân vịt bỗng bị dính chặt xuống đất như có bàn tay ai đó níu lại. Cho là có thần linh giáng hạ nên chẳng ai dám bén mảng đến cồn. Từ đó cồn có tên là cồn Thần. Một hôm có đàn trâu trong làng chạy lạc lên cồn, đám trẻ chăn trâu đến tìm, nhưng không hề hấn gì cả. Từ đó có tiếng đồn lan ra là cồn Thần chỉ cho các trẻ chăn trâu đến gần mà thôi. Xóm cồn về sau được gọi là xóm Đồng, làm nơi tụ tập của các mục đồng trong làng.
Từ câu chuyện lạ lùng ấy, sau nhiều thế hệ dần dần hình thành một lễ hội dành riêng cho các trẻ chăn trâu, gọi là Lễ hội Mục đồng, diễn ra vào ngày 1-4 âm lịch hàng năm.
Theo các vị cao niên trong làng, Lễ hội Mục đồng ban đầu được tổ chức vào các năm Tý Ngọ Mẹo Dậu, nghĩa là 3 năm một lần, sau giãn dần ra 6 năm, rồi cuối cùng là 12 năm. Lần cuối cùng lễ hội dành cho trẻ chăn trâu này được tổ chức vào năm Bảo Đại thứ mười một (1936), lần đó, xe lửa đi qua làng dừng lại xem lễ rước rất lâu.
Năm 2007, lần đầu tiên sau hơn 70 năm vắng bóng, Lễ hội Mục đồng đã được bà con 17 họ tộc làng Phong Lệ ngày nay tự đóng góp tiền của phục dựng với sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng. Năm 2010, Sở VH-TT&DL Đà Nẵng phối hợp với làng Phong Lệ tổ chức lễ hội lần thứ hai và đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về một lễ hội đậm chất nhân văn dành riêng cho trẻ mục đồng. Đại diện các hãng lữ hành, Công ty đã đưa khách đến tham quan ngôi đình, tham gia lễ hội và đánh giá đây là sản phẩm văn hóa - chương trình
độc đáo có một không hai của Đà Nẵng và cả nước.
Từ chiều ngày 30 tháng 3 âm lịch, đại diện các họ tộc, dân làng cùng học sinh đóng vai mục đồng lũ lượt cờ xí kéo nhau đưa kiệu rước đến cồn Thần, nằm phía Tây làng, bên kia đường sắt. Ngoài cờ nhỏ của mục đồng, còn có cờ lớn của 17 tộc họ trong làng. Người ta treo trên cán cờ lớn các hình tượng tứ linh (lân, long, quy, phụng), tứ nghệ (sĩ, nông, công, thương). Nhưng nhiều nhất vẫn là các dụng cụ sản xuất nông nghiệp như cày, bừa, cuốc, xẻng, giần, nia...
Đến nơi, dàn cổ nhạc cùng với chiêng trống, kiểng cổ lần lượt lên tiếng. Vị chủ tế thay mặt làng dâng lễ cáo trình xin được rước Thần về đình để cúng tế. Sau một hồi khấn vái, vị chủ tế thảy hai đồng xu lên chiếc đĩa nhỏ để “xin keo” (còn gọi là xin “âm dương”), nếu rơi xuống mặt đĩa một ngửa một sấp (một âm một dương) thì ra hiệu báo cho mọi người biết rằng Thần đã giáng hạ. Thế là đoàn người hân hoan rước kiệu Thần về làng.
Đám rước rồng rắn băng qua cánh đồng lúa đang chín tới, thể hiện ước vọng của dân làng qua lễ hội là mùa màng bội thu. Trên đường đi, mỗi khi vị Trùm Mục (người cai quản các mục đồng) dõng dạc xướng “Chúng mục đồng làng Phong Lệ ta!”, đoàn mục đồng đáp lại “Dạ!”. Tiếp đó “Rước Thần Nông về làng Phong Lệ ta!”, lại đồng thanh “Giá hạ! Giá hạ!”. Và sau câu “Mừng cho tốt lúa tốt gieo. Võ thuận phong điều, mừng reo một tiếng!” là tiếng “A” nhịp nhàng của đoàn mục đồng.
Về đến trước đình, thần vị được rước vào an vị trong đình để sẵn sàng cho chính lễ vào sáng hôm sau.
Tảng sáng hôm sau, đại diện chính quyền các xã, phường liên quan, làng Phong Bắc, ban Nhân dân các thôn, các họ tộc làng Phong Lệ tề tựu trước sân đình, lần lượt vào dâng lễ cúng Thần Nông. Sau khi dâng hương, hoa, trà, rượu, các vị trong ban tế lễ đọc chúc văn cầu quốc thái dân an, mưa hòa gió thuận, mùa màng bội thu.
Đến trưa, lễ hội kết thúc. Mọi người lại quay về với cuộc sống đời thường, nhưng trong lòng đã dấy lên một niềm tin: năm nay sẽ có một vụ mùa bội thu…
Mới đây, cuối tháng 4-2014, không thể trông chờ vào các đơn vị tài trợ, bà con 17 chư phái tộc trong làng đứng ra tổ chức lễ hội Mục đồng lần thứ ba để “giữ lửa” cho một hoạt động văn hóa dân gian độc đáo diễn ra ở một ngôi đình có đến 3 tên gọi: Phong Lệ, Thần Nông và Mục đồng.
Nguồn tin: Baodanang.vn