==HOTLINESHOW==  ==HOTLINESHOWOTHER==

Đà Nẵng không chỉ nổi tiếng bởi thiên nhiên tươi đẹp mà còn bởi nền ẩm thực phong phú.  Hàng trăm thứ quà vặt ngon và lạ tại mảnh đất miền Trung này dễ dàng hút hồn bất cứ vị khách có tâm hồn ăn uống nào. Phần 2 của bài viết hành trình Đà Nẵng những món ăn ngon khó cưỡng, chúng tôi tiếp tục giới thiệu đến các món ăn Đà Nẵng hấp dẫn: mì Quảng, bánh khô mè, nước mắm Nam Ô, tré bà đệ ...

Mì Quảng

Mì Quảng không giống phở Bắc, cũng chẳng giống bún bò Huế hay bún Ốc Hà Nội. Mì Quảng có nhìu loại khác nhau, nào là mì gà, mì tôm, mì thịt, mì trứng, mì bò, mì sứa, mì cá lóc… nhưng hương vị đặc trưng của nó thì không lẫn vào đâu được. Hòa quyện cùng cọng mi trắng ngà, mềm mại là vị thanh ngọt và béo của nước hầm xương, mà người dân địa phương vẫn hay gọi là nước lèo.

Mì Quảng

Theo kinh nghiệm của người xưa, ăn mì Quảng phải ăn kèm với nhiều rau sống mới ngon. Nhưng rau sống đúng kiểu mì Quảng phải được kết hợp từ 9 loại rau như: cải non mới nụ, xà lách tươi, húng, quế, giá trắng có thể được trụng chín hoặc để sống, rau răm, ngò rí với hành hoa thái nhỏ…trộn lẫn với chuối bắp sắt mỏng, tất cả trộn lẫn tạo nên mùi vị đậm đà khó quên.

Đặc biệt thành phần không thể thiếu của mì Quảng là đậu phụng rang và bánh tráng mè nướng giòn. Vị thơm của đậu phụng rang và giòn của bành tráng sẽ làm tăng thêm ý vị cho món ăn đặc sản này.

Nhìn tô mì bốc khói với những chú tôm tươi đỏ mọng, lòng đỏ trứng vàng ươm kết hợp với màu xanh tươi mát của rau sống và hành hoa quả thật thực khách không thể kiềm nổi cơn đói đang trào dâng.

Dường như mì Quảng luôn có mặt trong mỗi bữa ăn hằng ngày của người dân nơi đây như là một thói quen, như thứ đặc sản dùng để tiếp đãi khách, bạn bè phương xa. Chính điều này cũng như một nét hấp dẫn riêng níu chân khách thăm quan mỗi khi có dịp ghé thăm mảnh đất thân thương này.

Bánh Khô Mè

Bánh khô mè được làm từ bột gạo, bột nếp, đường kính, gừng, và mè. Bột gạo pha với bột nếp được cho vào khuôn, hấp cách thủy, nướng khô, 'tắm' đường, 'tắm' mè... bánh tắm bằng nếp rang gọi là bánh khô nổ, tắm bằng mè thì gọi là bánh khô mè. Bánh ngon có ruột xốp dòn, đường dẻo, mè rang đủ độ chín thơm, lúc bẻ đường kéo thành sợi tơ vàng mảnh, bánh có dạng hình vuông hoặc hình chữ nhật.

Bánh Khô Mè

Bánh khô mè thường được dâng cúng ông bà tổ tiên trong những ngày giỗ tết. Các cụ già xưa cho biết, khi đem cúng quảy, bánh trên dĩa phải xếp theo hình bát giác, ngũ giác hoặc tứ giác biểu trưng cho bát quái, ngũ hành, tứ tượng tương hợp với Dịch lý. Như thế mới có thể cầu xin được đất trời giao hòa ở bốn phương tám hướng, tạo nên quốc thái dân an, gia đình hòa thuận

Bánh khô là đặc sắc của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng, nhưng có lẽ bánh khô mè sản xuất tại làng Cẩm Lệ là nổi tiếng thơm ngon hơn cả. Cẩm Lệ ở ngoại ô, cách Đà Nẵng 6 km về hướng Nam, nay thuộc phường Khuê Trung, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Nước mắm Nam Ô

Nam Ô là làng đánh cá nhỏ, nằm ngay trên quốc lộ 1, thành phố Đà Nẵng, ở đây có loại nước nắm ngon nổi tiếng. Loại cá làm nước mắm Nam Ô ngon nhất là cá cơm than đánh bắt vào tháng ba. Nước mắm Nam Ô ngon một phần là nhờ chọn thứ muối Cà Ná hạt to để lâu vài ba năm. Muối mang về đổ trên nền xi-măng sạch, khô ráo, để từ năm đến bảy ngày cho chảy hết chất nước đắng, sau đó cho vào chum, vại cất vài năm trước khi đem làm.

Nước mắm Nam Ô

Cá cơm than được lựa chọn kỹ là loại cá tươi, không to quá hoặc nhỏ quá. Khi muối, không cần rửa lại, vì trước khi lên bờ, cá đã được rửa bằng nước biển. Nếu rửa bằng nước ngọt sẽ làm cá mất ngon, để lâu sẽ bị thối. Những thùng, chum, vại muối phải làm bằng gỗ bằng lăng hoặc gỗ mít, mới đúng cách. Khi trộn cá chú ý, sao cho cá thấm muối thật đều, không bị nát, xếp từ từ từng lượt vào chum vại, đựng cá muối. Phía trên cùng đặt một lần vỉ đan bằng tre, hoặc mo cau khô gài lại. Đậy nắp thật kín, đưa vào phòng tối, khô ráo, sạch sẽ, kín gió, giữ nhiệt độ vừa phải, khoảng sáu, bảy tháng trộn cá muối lại. Khi nào lớp vỉ chèn xuất hiện lớp men mầu trắng thì tháo vỉ, vớt lớp men ấy ra. Cá muối vào tháng ba, gần Tết âm lịch bắt đầu lọc mắm, nhẹ tay lấy vỉ chèn ra, trộn đều mắm và dùng vải mịn để lọc mắm. Nước mắm chảy từ từ, có mầu đỏ sậm như mầu cánh gián, mùi thơm tỏa ra đầy hấp dẫn.

Nhiều làng lân cận Nam Ô cũng chế biến loại nước mắm này, nhưng không thành công. Theo những gia đình có truyền thống chế nước mắm Nam Ô thì việc chế biến phải có bí quyết và đòi hỏi công phu, chỉ sơ ý là nước mắm mất ngon. Từ xa xưa, nước mắm Nam Ô đã rất nổi danh. Ngày Tết, ngày lễ, người dân trong cũng như ngoài tỉnh ai cũng muốn có chai nước mắm Nam Ô.

Khác với những vùng làm nước mắm khác ở Việt Nam, làng cá Nam Ô (Đà Nẵng) chỉ chế biến nước mắm từ cá cơm than. Muối cá từ khoảng tháng ba âm lịch bằng thứ muối Cà Ná hạt to để đã vài năm, gần Tết Nguyên Đán thì dùng được. Nước mắm Nam Ô có màu đỏ sậm, tỏa mùi thơm đầy hấp dẫn.

Tré Bà Đệ

Tré Bà Đệ có các sản phẩm như tré gói cổ truyền, tré gói lá chuối, tré gói lá ổi. Bí quyết làm tré là sau khi mua thịt heo nạc và ba chỉ về cắt mỏng cùng với các loại gia vị như đường, muối, tỏi trộn đều và gói lại. Sau đó ủ từ 2 đến 3 ngày mới đem ra dùng. Để tăng thêm độ hấp dẫn của tré, khi ăn cần cho thêm một ít đu đủ, cà rốt, củ kiệu, đậu phộng, tỏi…và đặc biệt phải ăn kèm tương ớt mới ngon. Tré được dùng như món khai vị trong các dịp lễ tiệc.

Tré Bà Đệ

Tré là một món ngon, đặc sắc của biết bao thế hệ người dân xứ Quảng, Đà Nẵng. Mà không chỉ có thế, tré đã theo chân những người con quê hương đi qua khắp mọi miền để trở thành món ăn nổi tiếng khắp nơi trên cả nước. Giá một chục tré loại 350gram gói giấy hay hộp nhựa khoảng 30 nghìn đồng. Tré thẩu lớn khoảng 85 nghìn đồng/thẩu, còn loại nhỏ khoảng 50 nghìn đồng. Ngoài tré ra, tại đây còn có bán nem và chả cũng rất ngon.

Chiều tan sở, rủ một vài người bạn nhậu, dăm ba cái tré cộng chút tương ớt thế là đủ cho một buổi tiệc rượu nhâm nhi đến tối. Và dường như đó đã trở thành thói quen, nét đặc trưng văn hóa của người dân xứ Quảng.

Bánh Bèo Đà Nẵng

Bánh bèo từ lâu đã trở thành một mon ăn quen thuộc không thể thiếu của người dân đà nẵng, bởi sự dân dã và hương vị đặc biết của món bánh bèo mà chỉ có thể cảm nhận được khi bạn tham gia chuyến trải nghiệm Đà Nẵng

Bánh bèo cũng có rất nhiều loại được phân biệt bởi hình dáng và cách ăn bánh bèo. Bánh bèo tai thì nhỏ bằng lỗ tai được sắp sẵn lên đĩa mà thường là đĩa thiết ăn mới ngon, bánh bèo chén được đúc sẵn trong chén tròn nhỏ, trẹt miệng còn bánh ướt được bày trong đĩa và cắt khúc. Và tất cả đều có một điểm chung là rắc nhân lên trên mặt bánh (người Đà Nẵng vẫn gọi là “nhưn”).

Bánh Bèo Đà Nẵng

“Nhưn” bánh bèo, bánh ước được làm từ tôm, cá bào lấy thịt, bỏ xương, sau đó ướp gia vị và sấy khô queo trên than hồng cho không còn mùi tanh nữa, bởi vậy khi ăn vào miệng thực khách sẽ chỉ nghe thi thoảng mùi bùi bùi, béo béo. Ngoài ra vẫn có loại “nhưn” được làm từ thịt nạc, nấm mèo…tạo nên một loại hỗn hợp đặc quánh có màu cam tươi rất đẹp mắt mà tôi vẫn thường gọi là “nhưn ướt” nhằm tăng thêm nhiều mùi vị cho món ăn dân dã này. Bánh bèo còn được ăn kèm với nem chua, chả bò cây hoặc có thể là chả lụa khi ăn bánh ướt.

Tuy nhiên, món bánh bèo, bánh ướt có ngon hay không được quyết định bởi nước mắm ăn kèm. Nước mắm của bánh bèo rất đơn giản, đó là mắm ớt tỏi bằm nhuyễn được pha loãng với nước sôi nguội thêm ít chanh và đường, tất cả tạo nên vị thanh ngọt, chua chua rất đặc trưng. Thực khách ngồi chồm hổm quanh gánh bánh, vừa ăn vừa húp thứ nước mắm có vị ngọt thanh và thơm hương chanh, thỉnh thoảng kề đĩa cho người bán: “Cho con thêm chút mắm”, “Vắt thêm chút chanh dì ơi” đã trở thành hình ảnh thân thuộc với người dân địa phương.

Bạn có thể tìm thấy các quán bánh bèo, bánh ướt bánh lọc ở bất kỳ con phố, ngõ hẻm nào trong thành phố. Thậm chí nếu khách thăm quan ở ngay tại khách sạn, vẫn có thể thưởng thức các món ăn dân dã này, chỉ cần chiều chiều ra ban công vừa hóng gió, vừa lắng tai nghe tiếng rao: "Bánh bèo, bánh ướt đây" của các chị gánh dạo, là đã có ngay một dĩa bánh ngon lành.

Chả Bò Đà Nẵng

Chả bò Đà Nẵng được làm từ 100% thịt bò tươi. Đặc điểm của món ngon đà nẵng này là hương vị thơm ngon, chất lượng. Cắt khoanh chả bò Đà Nẵng, khách sẽ thấy mùi thơm của rau thì là thoảng nhẹ, miếng chả có màu đỏ hồng, vị hơi ngọt nhưng cũng rất đậm đà, giòn và dai. Ăn chả bò phải kèm với dưa chua, nem... làm món khai vị trong các đám tiệc, còn ngày thường có thể là những món nhâm nhi tuyệt vời cho quý ông, món ngon ăn kèm bánh mì và ngon hơn nữa khi ăn cùng cháo bò.                  

Chả Bò Đà Nẵng

Đặc biệt ăn món ăn Đà Nẵng này nhất thiết phải có tỏi tươi, hành tươi, rau thơm và có thể chấm thêm tương ớt hoặc nước mắm tỏi ớt tùy khẩu vị của mỗi người. Khi ăn vào miếng chả Đà Nẵng sẽ thấy rất đậm đà, cũng chỉ với nước mắm, muối, tiêu, đường và hành tỏi nhưng thêm vào chút tấm lòng người Đà Nẵng thì chả Đà Nẵng lại trở nên đậm tình.

Giờ đây, bạn không cần phải ghé thăm Đà Nẵng để thưởng thức món chả bò đặc biệt không nơi nào sánh được. Chả bò Đà Nẵng đã phát triển thương hiệu tên toàn quốc với chất lượng tuyệt hảo, an toàn vệ sinh. Đi bất cứ nơi đâu bạn cũng có thể mua được đòn chả bò đặc sản Đà Nẵng. Tuy nhiên, tôi vẫn thích mua chả bò tại Đà Nẵng bởi dường như nơi khác vẫn còn thiếu chút chân tình của người dân xứ Quảng gửi vào đòn chả. Đấy mới thật sự là món ngon Đà Nẵng.

Sò Huyết Lăng Cô

Đến Lăng Cô, khách thăm quan không chỉ đắm mình trong phong cảnh nên thơ và thích thú với bãi tắm lý tưởng mà ở đây Lữ khách còn được thưởng thức nhiều loại hải sản phong phú, quý hiếm như vẹm xanh, sò huyết, cá chình… Sò huyết Lăng Cô ngon nổi tiếng cả nước, những con sò tươi rói được mang lên, nướng trên những lò than hồng ngay tại bãi biển để khách thăm quan thưởng thức với nhiều loại gia vị, nước chấm hảo hạng.

Sò Huyết Lăng Cô

Sò huyết không chỉ là hải sản ngon mà theo y học cổ truyền, sò huyết có vị ngọt, tính mặn, có tác dụng bổ huyết, kiện vị chữa chứng huyết hư, thiếu máu. Trong sò huyết có nguồn chất đạm phong phú, chứa nhiều khoáng chất có giá trị dinh dưỡng cao như magiê và kẽm. Hai chất này giúp tăng cường sức chịu đựng dẻo dai cho cơ thể.Được các nhà hàng chế biền thành nhiều món ăn hấp dẫn đặc sắc như : tiết canh sò huyết và gỏi sò huyết.

Bún Mắm Thịt Heo Quay

Xuất phát điểm của món ăn này là của người Đà Nẵng, nhưng theo thời gian, món ăn đã có mặt khắp các tỉnh ven biển miền Trung. Chỉ đơn giản với bún, thịt heo quay và một chén mắm nêm trộn lẫn vào nhau nhưng hương vị đậm đà của món ăn là điều bạn khó có thể quên được khi đã một lần thưởng thức.

Bún Mắm Thịt Heo Quay

Bún mắm nêm thịt heo quay là món ăn tuy bình dị nhưng lại rất phổ biến ở các tỉnh ven biển miền Trung. Thịt heo quay là phần hấp dẫn nhất của món ăn. Miếng thịt với lớp da vàng ươm, giòn rụm, được thái dày cắn ngập chân răng đem lại sự thích thú cho người ăn. Tuy nhiên, cái quyết định hương vị, làm nên sức hấp dẫn riêng cho món ăn bình dị này chính là chén mắm nêm ăn kèm.

Mắm nêm là loại mắm rất nổi tiếng của người dân miền Trung. Mắm thường được làm từ cá cơm hoặc cá trích, cá nục... Cá tươi rửa sạch, ướp với muối theo một tỷ lệ nhất định, cho vào hũ đậy kín lại. Tùy theo thời tiết và nhiệt độ mà mắm có thể chín sau khoảng từ 7 đến 9 ngày. Khi đó mắm hơi sền sệt và có mùi thơm ngào ngạt mà lại hơi khẳm rất đặc trưng. Ngoài thành phần mắm, chén mắm nêm còn được pha thêm nhiều nguyên liệu khác như dứa bằm nhỏ, tỏi giã nhuyễn, ớt xay và đường... tùy theo khẩu vị mà chén mắm được gia giảm để làm dịu vị mặn và dậy mùi thơm ngon. Một tô bún mắm nêm ngoài bún, thịt heo quay còn có các loại rau thái nhỏ đúng kiểu người miền Trung cùng ít lạc rang. Khi ăn, thực khách chỉ cần chan đều mắm nêm vào tô, trộn lẫn các thành phần lại với nhau rồi thưởng thức. Mang đậm văn hóa của người miền Trung nên tô bún mắm nêm thường rất đậm đà cùng với vị cay xé lưỡi đặc trưng, nên nhiều thực khách vừa ăn vừa phải xuýt xoa.

Tiết canh sò huyết

được chế biến dưới bàn tay khéo léo của người đầu bếp cùng những món gia vị cay nồng, ngọt béo không chỉ nổi tiếng ngon miệng mà còn bổ dưỡng. Sò huyết Lăng Cô  nổi tiếng ngon nhất là vào tầm tháng 4 đến tháng 7, mùa biển lặng. Những con sò tươi bóng từ ghe chài được đưa vào nhà hàng, được ngâm trong nước trong để nhả hết chất bẩn.

Cách lấy huyết và chế biến kỳ công được xem là khâu quan trọng nhất quyết định sức hấp dẫn của món ngon này. Sò huyết tươi sống được chẻ ruột lấy tiết từng con trước khi chế biến. Quyết định hơn cho món ăn ngon là cách gia giảm, kết hợp nguyên liệu khi chế biến để tạo nên sự hấp dẫn riêng cho món. Ngoài rau nêm ngò gai, ngò om thường thấy, tiết canh sò huyết còn ăn kèm với nước xốt mù tạt. Tươi nhưng không tanh, nồng nhưng không gắt, món mang đến cho người thưởng thức một hương vị thật lạ lẫm.

Gỏi sò huyết : được chế biến khá đơn giản. Quan trọng là phải giữ được vị ngọt đậm đà vốn có của sò huyết. Sò huyết được rửa sạch, để ráo rồi cho vào lò vi-ba chừng khoảng 3 phút. Sò vừa chín tới, vẫn còn giữ được độ tươi ngon. Người sành ăn lấy sò huyết ướp đá để sò “há miệng” thì tách thịt khỏi vỏ. Củ hành tím được xắt khoanh mỏng ướp đá cho bớt vị nồng hoặc có người thích giữ nguyên vị nồng để tăng thêm vị ngon cho món ăn. Người huế rất ưa sử dụng gừng, xả trong thức ăn nên món gỏi sò huyết cũng được bổ sung hai thứ gia vị này. Nước giấm đường pha chế sao cho có vị chua và ngọt vừa miệng. Gừng và xả xắt khoanh mỏng được trộn chung với nước giấm đường, để chừng nửa tiếng đồng hồ để tạo vị đậm đà. Thịt sò huyết được trộn với hỗn hợp nước giấm cho đều. Sau đó, người ta lót rau húng ra dĩa và để sò huyết trộn lên trên. Cho thêm vài lát ớt cắt sợi trang trí làm món ăn thêm bắt mắt. Món gỏi này được chấm với nước mắm chua ngọt. Nhưng phần lớn thực khách dùng chung với bánh tráng mè nướng như ăn kèm với hến xào ở Huế. Ăn thế này “bắt ngây” không thể dừng… Có người đến Lăng Cô chỉ để ăn món này…

trải nghiệm Đà Nẵng Những Món Ăn Ngon Khó Cưỡng (P2)

trải nghiệm Đà Nẵng Những Món Ăn Ngon Khó Cưỡng (P2)
33 3 36 69 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==