Thưởng thức đặc sản "Xôi thằng Bờm nịnh vợ" đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng mỗi khách thăm quan tham gia Chương trình Đà Nẵng của công ty VietSense Travel. Lần đầu tiên nghe tên gọi “Xôi thằng Bờm nịnh vợ”, thực khách không thể nén được tò mò, món xôi với tên gọi thú vị ấy quả thật ngon lành, lạ miệng, hấp dẫn như chính tên gọi của nó.
Nói đến món xôi, không ai còn xa lạ với nguyên liệu gạo nếp hạt tròn, trắng bông, dẻo dính, thường dùng khi gia đình có việc cúng quảy. Xôi là món ăn Việt được kết hợp khá đa dạng giữa nếp với các hạt họ đậu khác như xôi gấc, xôi đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ, đậu lạc (đậu phộng) và tạo ra những tên gọi riêng như xôi vò, xôi xéo, xôi lăn. Ngày nay, với việc chế biến ẩm thực khéo léo, món xôi còn “đi tông” với gà, với chim, với trứng cút… Thế mới có những cái tên xôi rất ngô nghê và tình cảm như xôi Thằng Bờm.
Hẳn thực khách khi thưởng thức món xôi này không khỏi thắc mắc: Vì sao người ta lại đặt cho nó cái tên có vẻ như muốn kéo cổ tích lại về thực tại cuộc sống. Anh Thọ, “ông” chủ trẻ của quán Tây Bắc hết sức nhiệt tình kể cho chúng tôi nghe về món xôi mà anh dày công mày mò nhiều năm ở miền Nam. Thời đó, đang làm việc ở một Công ty và được cho đi học nâng cao tay nghề ở Sài Gòn, vì rất mê học nấu ăn và ao ước một ngày nào đó tự tay sáng tạo những món mà mình thích nên sau một thời gian thực tập ở những khách sạn vào loại bậc nhất Sài Gòn như Rex, anh trở về Đà Nẵng tạo lập cho mình một cái quán phục vụ ăn uống mà ở đó anh có điều kiện vào bếp để trổ tài.
Món xôi ra đời từ cảm hứng hết sức dân gian. Lấy tích chuyện: anh Bờm nhân vợ vắng nhà lấy con gà mái duy nhất đang nuôi để làm thịt đãi bạn. Khi vợ Bờm về nhà thấy vậy rất giận chồng nhưng không nói gì vì nể mặt khách. Lúc khách khứa ra về hết anh Bờm mới mang vắt xôi ra nịnh vợ. Bẻ nắm xôi ra bên trong toàn thịt gà, vợ Bờm hết giận bởi hóa ra chồng mình chỉ đãi khách bằng phần xương gà, còn phần ngon đã để lại cho vợ.
Để làm món "xôi thằng Bờm nịnh vợ” nguyên liệu đầu tiên là nếp, theo anh Thọ, nếp phải là loại nếp nương do đồng bào Cơ-Tu trồng cho hạt mềm, dẻo khi nấu. Lớp nhân trong xôi là loại gà đồi (được nuôi tại các xã có vùng đồi rừng Hòa Sơn, Hòa Ninh, Hòa Bắc).
Thời gian làm gà đến đồ xôi chỉ mất khoảng nửa tiếng đồng hồ, khách hàng không mất nhiều thời gian chờ đợi. Anh Thọ tâm sự, món xôi ban đầu sử dụng chim sẻ làm nhân nhưng do đặc điểm chim sẻ thường nhỏ làm rất kì công. Dần dà theo sự góp ý của khách hàng đầu bếp thay bằng loại gà đồi vừa thơm thịt lại rút ngắn thời gian sơ chế… Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều quán ăn phục vụ khách bằng món xôi kiểu này nhưng để tạo được phong cách riêng, để khách thực sự nhớ, phải có tay nghề kĩ thuật và sự sáng tạo.