hành trình Đà Nẵng- thăm khu căn cứ Huyện ủy Hòa Vang trong tiết trời mùa thu, giữa bạt ngàn màu xanh của núi đồi, ít ai biết được rằng, nơi đây từng là căn cứ cách mạng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
trải nghiệm Đà Nẵng- thăm khu căn cứ Huyện ủy Hòa Vang trong tiết trời mùa thu, giữa bạt ngàn màu xanh của núi đồi, ít ai biết được rằng, nơi đây từng là căn cứ cách mạng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Vượt qua quãng đường dài, lên tới nơi, khu căn cứ nằm im lìm giữa bạt ngàn màu xanh của rừng lá. Ngôi nhà trưng bày rộng rãi, khang trang, cửa đóng then cài. Bên trong là một chiếc sa bàn cùng vài bức tranh, vài hiện vật. Xung quanh không một bóng người.
Tiếp tục đi bộ hơn một ngàn bậc tam cấp đã xanh rêu, cây cỏ mọc lấn cả vào lối đi mới lên tới bia di tích khu căn cứ và Hòn đá Đà Nẵng. Chính tại nơi lịch sử này, nhiều năm trước đã diễn ra những đợt tập luyện, chỉ huy phong trào cách mạng của huyện Hòa Vang. Theo lời kể của những già làng Cơ Tu, thôn Phú Túc (xã Hòa Phú), vào những năm 1946 - 1947, nơi đây được chọn làm khu căn cứ cách mạng của Huyện ủy Hòa Vang thuộc Khu ủy Khu V, từng là nơi làm việc, sinh hoạt của Huyện ủy, diễn ra các đợt huấn luyện, tập huấn cho cán bộ lãnh đạo phong trào cơ sở, giờ đã trở thành những di tích rất có giá trị về lịch sử.
Trong quá trình hình thành và tồn tại, căn cứ là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng như các Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hòa Vang tháng 3 -1965, tháng 6-1966, nhiều hoạt động quân sự và chính trị liên tục được triển khai như: Mở trường Đảng để giáo dục và đào tạo cán bộ cách mạng cơ sở, hình thành công binh xưởng để sửa chữa và chế tạo các loại vũ khí thông thường, tổ chức các lớp huấn luyện về phương pháp đánh Mỹ của lực lượng vũ trang do Huyện đội thực hiện… Nơi đây thực sự là trung tâm xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng chủ chốt, đồng thời là đầu não, thủ phủ kháng chiến của cách mạng Hòa Vang thời đánh Mỹ.
Được khởi công từ năm 2003 và hoàn thành năm 2004 với tổng vốn đầu tư lên tới 3 tỷ 345 triệu đồng, khu căn cứ Huyện ủy Hòa Vang được hoàn thiện gồm nhà trưng bày, xây các bậc tam cấp để đi lên bia di tích, Hòn đá Đà Nẵng và Hòn đá Non Nước. Nhà trưng bày khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang được xây dựng ngay dưới chân núi. Tuy tài liệu, hiện vật được giới thiệu tại nhà trưng bày chưa nhiều về số lượng, chưa phong phú, đa dạng về nội dung, đề tài nhưng nó vẫn là những hiện vật mang giá trị lịch sử sâu sắc.
Trên đường lên khu căn cứ có các chòi nghỉ hình lục giác được xây dựng hai bên lối đi. Đây là những điểm nghỉ chân thú vị để người đi vừa nghỉ ngơi vừa ngắm nhìn cảnh vật thiên nhiên ở những độ cao khác nhau. Lên tới đỉnh đồi là đoạn đường bằng phẳng, uốn lượn dẫn đến khu trung tâm. Ở độ cao hơn 300m so với mặt nước biển, “Hòn đá Đà Nẵng”, “Hòn đá Non Nước” được coi là biểu tượng truyền thống yêu quê hương đất nước của nhân dân Hòa Vang, như nhắc nhở mọi người luôn phải dấn thân, kiên định lý tưởng cách mạng để giành lại độc tập tự do cho quê hương.
Đến nay, sau 10 năm được xây dựng và đưa vào sử dụng, một số hạng mục của khu căn cứ đã bị hư hỏng, số người lui tới khu căn cứ cũng ít. Trước thực trạng đó, ông Nguyễn Văn Vân, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú cho biết, huyện đã có nhiều đợt khảo sát thực địa tại khu căn cứ, ngay đầu năm 2014, đội dân quân của xã cũng đã ra quân dọn dẹp các bậc tam cấp đi lên khu căn cứ, chỉnh trang lại một số lầu nghỉ bị gió làm tốc mái. Hằng năm, vào các dịp như lễ, Tết, Ngày Thương binh - liệt sĩ 27-7, xã cũng có mời lãnh đạo huyện, xã lên thắp hương, cúng lễ.
Tới đây, khu căn cứ sẽ được đầu tư khoảng 5 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa lại một số hạng mục bị hư hỏng cho hoàn thiện. Trong tương lai, khách thăm quan muốn chiêm ngưỡng các hình ảnh “Hòn đá Đà Nẵng”, “Hòn đá Non Nước” có thể đi bằng đường thủy để thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình của hồ Đồng Xanh - Đồng Nghệ, có thể ngắm cảnh theo các cung đường bậc thang uốn lượn của đồi, núi…
Ông Nguyễn Văn Lớ, Bí thư Chi bộ thôn Phú Túc tâm sự: “Người dân chúng tôi sống dưới chân núi này nhiều năm, bây giờ khu căn cứ được phủ kín màu xanh của rừng keo, người dân cũng đã biết làm kinh tế, nhà cửa cũng khang trang, đổi thay từng ngày. khu căn cứ Huyện ủy Hòa Vang không chỉ là một di tích lịch sử cách mạng mà còn là nơi để truyền dạy các bài học lịch sử về đấu tranh, giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ trẻ sau này.”
Nguồn tin:Baodanang.vn