==HOTLINESHOW==  ==HOTLINESHOWOTHER==

Hiện trên các website hành trình và cả trong ngôn ngữ thường nhật của người Đà Nẵng, mũi đất phía đông-bắc vịnh Nam Chơn gắn liền địa danh Hòn Hành được đồng nhất với tên gọi mũi Isabelle. Tuy nhiên, nếu đặt câu hỏi vì sao địa danh này mang tên là mũi Isabelle, chắc hẳn không phải ai cũng có thể đưa ra câu trả lời thỏa đáng.

Hiện trên các website hành trình và cả trong ngôn ngữ thường nhật của người Đà Nẵng, mũi đất phía đông-bắc vịnh Nam Chơn gắn liền địa danh Hòn Hành được đồng nhất với tên gọi mũi Isabelle. Tuy nhiên, nếu đặt câu hỏi vì sao địa danh này mang tên là mũi Isabelle, chắc hẳn không phải ai cũng có thể đưa ra câu trả lời thỏa đáng.


Mũi Isabelle- Hòn Hành Đà Nẵng - Ảnh 1

Hòn Hành trước thế kỷ XIX có tên là núi Thông (Thông sơn: 葱山), tục gọi Hòn Hành (Hòn Hành: 㞩行), nguyên văn là “Thông sơn tục danh Hòn Hành”: 葱山俗名㞩行. Năm 1823, vua Minh Mạng triều Nguyễn đổi tên núi Thông thành núi Định Hải (Định Hải sơn: 定海山), xây pháo đài ở đó gọi là pháo đài Định Hải (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hóa Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, quyển 5, Sài Gòn, 1962, phần Hán-Nôm, mục Xuyên Sơn, trang 17).

Trong cuộc chiến tranh xâm lược ở Đà Nẵng (1858-1860), do bế tắc trước sức chống trả kiên cường của quân và dân Việt Nam quanh khu vực hạ lưu sông Hàn, ngày 18-11-1859, liên quân Pháp-Tây Ban Nha quyết định mở cuộc tấn công pháo đài Định Hải (nằm trên Hòn Hành) và đồn Chơn Sảng nằm bên bờ vịnh Nam Chơn (gần pháo đài Định Hải) hòng làm chủ con đường đèo Hải Vân và đánh chiếm Hải Vân quan để chặn đường liên lạc giữa Đà Nẵng với Kinh đô Huế.


Mũi Isabelle- Hòn Hành Đà Nẵng - Ảnh 2

Từ 6 giờ sáng, hạm đội 8 chiếc gồm hai pháo hạm Avalanche và Alarme, soái hạm Némésis, tàu Tây Ban Nha Jorgo-Juan, chiến hạm hơi nước Phlégéton, hai tàu lai dắt Prégent và Norzagarai, tàu vận tải Marne rời vụng tàu dưới chân bán đảo Sơn Trà tiến về phía tây-bắc vịnh Đà Nẵng. Cuộc hành quân bị chậm lại bởi cột buồm chính của tàu Prégent gặp sự cố gãy vỡ.

Liên quân Pháp-Tây Ban Nha chia làm ba cánh: Cánh của Thiếu tá Pallières gồm 1 phân đội công binh, 1 đại đội pháo binh và 6 đại đội thủy quân lục chiến Pháp có nhiệm vụ chiếm đồn Chơn Sảng nằm trên đường ngựa trạm, cánh lính Tây Ban Nha có nhiệm vụ bắn sập pháo đài Định Hải xây bằng đá nằm trên Hòn Hành và khống chế vịnh Nam Chơn cùng con đường ngựa trạm, cánh dự bị của Trung tá Reybaud gồm 5 đại đội thủy quân lục chiến Pháp và 2 đại đội lính Tây Ban Nha dàn quân trên vịnh cho đến khi kết thúc cuộc tấn công, với mục tiêu là chiếm khu dịch trạm Nam Chơn nằm bên bờ biển phía trước đồn chính Chơn Sảng.

Trước giờ nổ súng, lính tấn công của Pháp-Tây Ban Nha chuyển xuống những chiếc sà lúp chuẩn bị để sẵn sàng đổ bộ, còn lực lượng dự bị ở lại trên tàu vận tải Marne. Lúc này quân Pháp gọi pháo đài Định Hải bằng thuật ngữ pháo đài Núm vú: Fort du Mamelon (Theo Colonel Henri de Ponchalon, Indo-Chine, souvenirs de voyage et de campagne, 1858-1860, Maison A. Mame et Fils à hành trìnhs, Paris, 1896, trang 215).

Vào khoảng 9 giờ, tàu Pháp và Tây Ban Nha bắt đầu khai hỏa cấp tập. Quân nhà Nguyễn trên pháo đài Định Hải nổ súng phản pháo quyết liệt, nhiều quả đại bác bay sượt qua đầu các tàu chiến giặc. Đồn chính Chơn Sảng cũng nổ súng chống trả, nhưng mới bắn được 4 phát đại bác thì bị trúng đạn trái phá từ tàu Tây Ban Nha Jorgo-Juan khiến tiếng đại bác ở đây giảm dần rồi im bặt.

Song, quả đại bác thứ ba từ đồn chính Chơn Sảng “đã cắt đứt đôi thân mình Thiếu tá công binh Déroulède đang đứng cạnh Chuẩn Đô đốc Page trên khoang thượng phía đuôi soái hạm Némésis, làm Page bị lấm máu khắp người; quả đạn đó còn bay tiếp giết chết thêm một hạ sĩ thủy thủ đài chỉ huy, cắt đứt dây néo cột buồm lái và làm bị thương hai chuẩn úy hải quân cùng một số thuỷ thủ khác” (Theo Colonel Henri de Ponchalon, sách đã dẫn, trang 216).

Ụ súng bắn đá của đồn Chơn Sảng cũng tham gia chiến đấu, nhưng bắn trả không nhiều bởi những quả đạn trái phá từ các tàu giặc làm cháy bùng đồn Chơn Sảng và tan nát pháo đài Định Hải, những kho thuốc súng nổ tung lên, khiến quân nhà Nguyễn do Phó vệ úy Lê Hòa, Thành thủ úy Tôn Thất Mưu chỉ huy phải bỏ đồn và pháo đài rút quân để bảo toàn lực lượng.

Mũi Isabelle- Hòn Hành Đà Nẵng - Ảnh 3

Quân Pháp-Tây Ban Nha dùng sà lúp đổ bộ vào bờ, nhưng không bắt gặp ai tại đồn chính và ụ súng bắn đá của đồn Chơn Sảng, thu được 3 đại bác dùng cho thủy quân cỡ nòng 12cm và vài súng bắn đá. Còn tại pháo đài Định Hải, quân Tây Ban Nha bắt sống 3 lính nhà Nguyễn, chiếm được 5 khẩu đại bác cỡ nòng 24cm bằng sắt đã hơi hoen rỉ. Khu làng Chơn Sảng còn nguyên vẹn nhưng liền bị liên quân đốt rụi.

Vào giữa trưa, những toán lính Pháp khác tiến sang chiếm đóng dịch trạm Nam Chơn, lính Tây Ban Nha giữ pháo đài Định Hải, còn cánh quân dự bị quay lại Đà Nẵng.

Trong thời gian chiếm đóng pháo đài Định Hải, lính Tây Ban Nha không dùng tên pháo đài Núm vú do người Pháp gọi trước đó, mà lấy tên nữ hoàng đương triều của mình là Isabelle Đệ nhị, tức Isabelle II nếu viết theo tiếng Pháp, còn tiếng Tây Ban Nha là Isabel II (1830-1904, tên đầy đủ: María Isabel Luisa de Borbón y Borbón-Dos Sicilias) để đặt tên nơi đây thành pháo đài Isabelle II (Theo Colonel Henri de Ponchalon, sách đã dẫn, trang 231). Tên pháo đài Isabelle II còn được đưa lên bản đồ quân sự từ thời điểm này.

Sau hơn ba tháng kể từ ngày chiếm đóng nhưng vẫn bế tắc vì luôn thất bại trong nỗ lực đánh chiếm đường đèo Hải Vân, vào 7 giờ sáng 29-2-1860, liên quân Pháp-Tây Ban Nha đánh mìn giật sập pháo đài Định Hải, đồn Chơn Sảng và dịch trạm Nam Chơn rồi rút về những tiền đồn ở chân núi Sơn Trà, trước khi di tản toàn bộ khỏi Đà Nẵng vào 23-3-1860.

Như vậy, tại Hòn Hành, từ tên pháo đài Định Hải, trước khi chiếm đóng quân Pháp gọi là pháo đài Núm vú, song quân Tây Ban Nha đổi tên lại là pháo đài Isabelle II sau khi chiếm giữ.

Trải qua thời gian dài, người Việt đã lược giản tên Nữ hoàng Isabelle II thành Isabelle theo quy luật giản âm của ngôn ngữ, tạo thành thói quen cho đến ngày nay, để cùng với nghĩa địa Y Pha Nho là hai địa danh để lại dấu tích ngôn ngữ Tây Ban Nha trong cuộc chiến mà họ liên quân với Pháp xâm lược Đà Nẵng 160 năm trước.

Tên mũi Isabelle hiện nay không còn thể hiện nội hàm nguyên nghĩa, nhưng tri thức về nguồn gốc tên gọi Isabelle vẫn rất cần thiết được phổ biến trên báo chí, sách vở và trong đời sống xã hội, bởi nếu không nắm rõ những giá trị lịch sử và văn hóa kèm theo, địa danh chỉ còn là sự trống rỗng, vô hồn và xa lạ với xã hội hiện đại.

Nguồn tin: baodanang.vn
 

Mũi Isabelle- Hòn Hành Đà Nẵng

Mũi Isabelle- Hòn Hành Đà Nẵng
69 7 76 145 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==