Đà Nẵng là một thành phố lớn ở miền Trung. Bên cạnh sự giàu có của hải sản và sự phong phú trong ẩm thực nơi đây, sự hấp dẫn của Đà Nẵng đôi khi đến từ những nét rất nhỏ, rất riêng và rất đặc biệt. Những món ăn chơi dân dã này chính là một trong những nét riêng đặc biệt đó. Bởi tôi đã vài lần nghe bạn bè rủ rê: Ghé Đà Nẵng chơi không? Tắm biển thỏa thích rồi làm đĩa mít trộn hay đĩa ốc hút cay xè cho đỡ nhớ.
Đến Đà Nẵng bất cứ mùa nào trong năm, mỗi chiều sau khi tắm biển xong, rủ bạn bè thưởng thức một đĩa mít trộn hay ốc hút thì còn gì bằng. Đã nghe “danh tiếng” mấy món ăn này, nên khi được mời, tôi khó có thể từ chối. Thật vậy, mấy món “ăn chơi” dân dã này không biết từ bao giờ đã trở nên vô cùng quen thuộc với người dân Đà Nẵng, và bây giờ đang được biết đến như một nét ẩm thực vô cùng độc đáo ở đây. Ngồi bên bạn bè, trò chuyện rôm rả, thưởng thức mấy món ăn quê, mới nhận ra đôi khi hạnh phúc thật giản đơn.
Mít trộn với tương ớt và bánh tráng
Cây mít mọc ở nhiều nơi ở Đà Nẵng, trái có vị rất đậm và thơm, món mít trộn cũng vì thế mà càng thêm đậm đà.
Người Đà Nẵng cũng như người dân sống trên dải đất miền Trung vốn mộc mạc, chất phác, vì thế các món ăn cũng đơn giản, không cầu kỳ trong chế biến. Tuy vậy, vị tinh tế và đậm đà thì không chê vào đâu được. Món mít trộn là như vậy.
Với món mít trộn, nguyên liệu cơ bản là giống nhau, cũng từ trái mít non luộc chín vừa tới rồi xắt sợi hoặc xé tơi để trộn gỏi, nhưng các hàng quán “nhà giàu” thì trộn với thịt ba rọi hoặc tôm thẻ, nhìn món ăn sang trọng hơn. Nhưng có lẽ đúng món mít trộn chân chất xứ này thì phải là trộn với da heo xắt sợi, thêm đậu phộng giã dập, hành phi, nước mắm chua ngọt với ít rau răm và húng lủi. Tất cả trộn đều với nhau, tạo nên mùi thơm quyến rũ, màu sắc cũng thật bắt mắt.
Ăn mít trộn thì không thể thiếu bánh tráng mè nướng giòn rụm. Bẻ một miếng bánh tráng, xúc một miếng mít trộn, cái giòn rụm của bánh tráng, vị bùi và ngọt của mít non, chút giòn sựt sựt của da heo, thêm vị thơm của đậu phộng, hành phi và chút cay cay của ớt, rau thơm… tất cả tạo nên một vị ngon không cưỡng được.
Món Ốc xào xả ớt
Đà Nẵng cũng là xứ nổi tiếng với món ốc xào xả ớt, mà người dân địa phương gọi dân dã là ốc út. Ốc miền Trung con nào con nấy nhỏ mà chắc thịt. Ốc gạo, ốc bươu, ốc đắng… nhiều vô số kể ở khắp nơi. Đem về ngâm thật sạch, rửa sạch rồi đợi ráo nước, đem xào với sả ớt, gia vị, công thức không có gì đặc biệt mà vị thì đậm đà khó quên. Có lẽ là do sự đậm đà vốn có trong cách thức chế biến món ăn của người Đà Nẵng đã tạo nên sự hấp dẫn cho món ăn này.
Món Ốc hút
Món ốc hút đã trở thành quen thuộc với mọi người, nhất là các bạn trẻ và khách thăm quan phương xa. Rảnh rỗi, bạn bè rủ nhau đi “hút ốc”, ngồi bên quán vỉa hè hút ốc bằng tay, miệng và tay dính màu ớt đỏ cay xè, ăn xong lâu rồi vẫn hít hà vị cay. Vậy mà vẫn thích. Sự đậm đà của sả, ớt và gia vị thấm vào từng con ốc tạo nên cái “sự ghiền” cho người ăn.
Gỏi cá Nam Ô
Ăn rồi là dễ nghiện, nhưng ít người dám thử món này bởi nó làm từ cá sống. Gỏi cá Nam Ô có thể được chế biến từ cá mòi, cá tớp, cá cơm... nhưng ngon và thích hợp nhất là cá trích. Cá trích cỡ lớn hơn ngón tay, cắt đầu, đuôi, bụng, bỏ xương, tách thân làm hai và xắt từng miếng nhỏ, ép nước để ráo rồi đem ướp với gừng, riềng, tỏi băm nhuyễn và thính.
Nước cốt cá được đun sôi, hòa thêm với nước mắm Nam Ô, ớt, bột năng, bột ngọt tạo thành thứ nước chấm đặc trưng cho riêng món gỏi. Rau ăn kèm với gỏi cá Nam Ô rất đa dạng và đặc biệt, là đọt non của các loại cóc rừng, tim lan, lành ngạnh, lá trâm, lá dừng… vốn chỉ mọc trên trên đèo Hải Vân. Tuy nhiên, giờ đây, các món rau khác như dưa chuột, xoài, chuối… được dùng nhiều để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thực khách.
Gỏi cá Nam Ô, thử là dễ nghiện
Có hai cách ăn gỏi cá: cá với rau các loại cuốn bánh tráng hoặc chỉ việc trộn cá với rau và nước chấm, cứ thế ăn. Cho rau lên bánh tráng, gắp thêm vài miếng cá lấm tấm thính riềng vàng ruộm, cuộn lại, chấm vào bát nước chấm và “cắn”. Thịt cá ngọt mát, nước chấm đậm bùi, vị riềng, ớt cay thơm, quyện với các loại lá mang hương rừng khiến người lâng lâng khó tả khi cái ngon thấm vào từng tế bào lưỡi.
Gỏi cá Nam Ô thì phải tới khu vực Nam Ô để thưởng thức mới đúng điệu. Hoặc nếu không, bạn có thể qua Nguyễn Tất Thành hay cầu Nam Ô và gọi một phần với giá từ 40.000 đồng.
Yogurt muối
Cái tên lạ lùng này tưởng như chỉ có trong chuyện đùa hay trong trò chơi đồ hàng của con nít, nhưng nó lại là món ăn vặt có thật và rất nhiều bạn trẻ ở Đà Nẵng ưa thích.
Thậm chí, cả một con đường chuyên bán yogurt muối được hình thành, với trên chục quán nằm san sát nhau, không lúc nào không có người. Vào giờ cao điểm nhiều quán không có chỗ ngồi.
Chẳng có gì cầu kì, vẫn chỉ là những hũ yogurt be bé, mát lạnh, nay được dùng kèm một đĩa muối tinh. Chỉ có thế thôi mà vẫn thu hút không biết bao nhiêu người, đặc biệt là các bạn còn đang đi học.
Yogurt mát lạnh, chua chua ngọt ngọt nay được “tăng đô” bởi muối tinh, ăn vào thấy là lạ, mới ăn nhiều người có thể không thích nhưng ăn riết dễ ghiền lúc nào không hay. Một đĩa yogurt muối có khoảng mười hũ, giá chỉ 15.000 đồng.
Món này có trên đường Bùi Thị Xuân (Q.Sơn Trà).
Chè xoa xoa hạt lựu
Xoa xoa nấu từ rau câu, hạt lựu làm từ bột lọc loại ngon, thạch đen được chế từ một loại lá cây mát trên rừng, đặc biệt nước cốt dừa được ép từ dừa nguyên chất…tất cả hợp lại làm nên thức uống ngon, mát lành.
Khi ăn, độ giòn giòn của thạch, nước dừa và đậu xanh đánh béo ngậy cộng thêm cái dai dai của hạt lựu làm cho người ăn quên hết mệt mỏi. Trong những ngày nắng, xoa xoa hat lựu thật là thứ giải khát tuyệt vời.
Có nhiều quán xoa xoa hạt lựu nhưng ngon nhất vẫn là ở chợ Cồn, hay một số quán trên đường Trần Bình Trọng (ngay ngã ba Trần Bình Trọng và Ngô Gia Tự), Phan Thanh… với giá chỉ từ 5.000 đồng/ly.